Chào các bạn, chào bác Liêm Trinh!
Tiếp theo, tôi xin phép post một bài viết của một tác giả Việt, đó là bài viết về Tâm Thức Vũ Trụ (nguyên văn tác giả gọi là Tâm Vũ Trụ). Ý tưởng của bài viết này rất lạ... nhưng dễ đọc hơn nhiều so với bài trên, mời mọi người xem qua!
TÂM THỨC VŨ TRỤ
CHƯƠNG 1
VŨ TRỤ VÀ TÂM THỨC VŨ TRỤ
Trong thời đại ngày nay, sự đan xen giữa các khoa học là một hiện tượng phổ biến. Chúng ta đã chứng kiến sự ra đời của nhiều ngành khoa học và các công trình khoa học mới mà chỉ cái tên của nó cũng đủ nói lên điều đó. Ví dụ như Lý Sinh, Hoá Sinh, Cơ Tin, Triết học của Toán học, Đạo của Vật lý v.v... Chính tại những miền giao khác rỗng của những ngành khoa học đó đã nẩy sinh những vấn đề mới, những ý tưởng mới...
1. VŨ TRỤ
Trước khi đưa ra những tiên đề, định lý, và hệ quả về Vũ trụ chúng ta phải xây dựng lại một số các khái niệm cơ bản. Các khái niệm này như là "vật mang tin", nó giống như chữ viết và ký hiệu để diễn đạt một ngôn ngữ.
Ta sẽ bắt đầu bằng khái niệm Đối tượng. Đối tượng dùng để chỉ mọi thứ: bát cơm, manh áo, con người, trái đất, hệ mặt trời, thiên hà, ý nghĩ, học thuyết, xã hội, một chính thể v.v... Khái niệm Đối tượng có tác dụng tạo ra một sự khu biệt trong tư duy khi ta xét đến một vật, một thực thể, một khái niệm, một hệ thống v.v... nào đó.Tiếp theo là khái niệm Tập hợp. Đầu tiên ta tạm hiểu nó như khái niệm tập hợp của Toán học. Chúng ta luôn nhớ rằng đối tượng không phải là tập hợp.Các thuật ngữ thuộc, các toán tử giao, hợp, phần bù v.v... trước hết hãy tạm hiểu như trong lý thuyết tập hợp.Khái niệm Vô cùng dùng để chỉ sự mở, sự không bị hạn chế.Duy nhất là khái niệm chỉ sự có một không hai.Tiếp theo là khái niệm Vận động. Vận động có thể hiểu như sự thay đổi trong không gian và thời gian, sự thay đổi trong các phản ứng hoá học, sự phát triển hoặc suy thoái của một quốc gia, một học thuyết hoặc một chính thể. Nó chỉ sự sinh trưởng hoặc chết đi của một sinh vật, sự thay đổi trong tư duy của một con người v.v...Cùng với sự vận động còn có khái niệm Vận tốc, Gia tốc v.v...Mối liên hệ dùng để chỉ sự ràng buộc, liên hệ, hàm, ánh xạ, toán tử, quan hệ, hàm tử v.v...Như vậy ta đã trình bày một số khái niệm cơ bản. Nội dung thông tin chứa trong các khái niệm cơ bản là rất lớn. Ý nghĩa của chúng sẽ sáng tỏ dần cùng với sự phát triển của lý thuyết.Ta sẽ bắt đầu bằng việc đưa ra quan niệm về Vũ trụ.
Định nghĩa 1 : Vũ trụ là hợp của mọi đối tượng
Định nghĩa 1 nói lên quan niệm của chúng ta về Vũ trụ. Vì như đã nói ở trên, đối tượng không phải là tập hợp (không có đối tượng rỗng ) nên định nghĩa này không phạm vào nghịch lý Rát-xen : Không có tập hợp của mọi tập hợp.
Như sau này chúng ta sẽ thấy, các đối tượng trong Vũ trụ không phải chỉ là những đối tượng rời rạc nằm cạnh nhau mà giữa chúng có những mối liên hệ chằng chịt và chính những mối liên hệ này đã liên kết các đối tượng khác nhau, thậm chí tưởng chừng đối nghich nhau trong Vũ trụ để tạo nên một Vũ trụ hiện nay. Cũng theo định nghĩa 1, ta thấy Vũ trụ của thiên văn học chỉ là một phần của Vũ trụ vừa định nghĩa.
Tiếp theo ta sẽ xác nhận hai tiên đề:
Tiên đề 1: Vũ trụ là vô cùng.
Tiên đề 2: Mọi đối tượng trong Vũ trụ luôn vận động.
Tiên đề 2 xem vận động là thuộc tính của mọi đối tượng.
Định lý 1: Vũ trụ là duy nhất
Chứng minh:
Giả sử V1 và V2 là hai Vũ trụ khác nhau. Khi đó theo định nghĩa 1 ta thấy V = V1 + V2 sẽ là Vũ trụ hiện hành. Cứ như thế phép hợp tạo nên một thực thể Vũ trụ duy nhất.
Định lý 1 khẳng định Vũ trụ của chúng ta là duy nhất, không có Vũ trụ thứ hai.
Điều này phù hợp với nhận thức của chúng ta .Đầu tiên khi còn nằm trong bụng mẹ, Vũ trụ của chúng ta là hợp của những cơ quan nội tạng chứa dòng máu của mẹ, các luồng ý thức mà mẹ truyền đến chúng ta v.v... Khi cất tiếng khóc chào đời, một sự nhảy vọt, phép hợp một lần nữa để tạo nên một Vũ trụ mới bởi bây giờ đã có thêm những đối tượng mới: ông, bà, bố, anh, em, mái nhà, vành nôi, những lời ru, bầu trời, các vì sao, v.v... Cứ như thế, nếu thấy bất kỳ một đối tượng nào nằm ngoài Vũ trụ của chúng ta thì phép hợp lại cho ra một Vũ trụ duy nhất.
Định lý 2: Giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ bao giờ cũng tồn tại ít nhất một mối liên hệ
Chứng minh:
Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. Khi đó mối liên hệ “A và B cùng vận động” hiển nhiên là một trong các mối liên hệ giữa A và B.
Định lý này thật ra là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến mà Heghen đã đề cập. Khi nói đến một đối tượng ta phải hiểu nó tồn tại trong các mối liên hệ của nó với các đối tượng khác. Đôi khi để nhấn mạnh ta sẽ gọi là đối tượng đầy đủ.
Như đã nói ở trên, các đối tượng trong Vũ trụ liên kết với nhau một cách chặt chẽ bởi các mối liên hệ. Các mối liên hệ này có được từ các đối tượng trong Vũ trụ nhưng chính chúng lại làm cho Vũ trụ này là duy nhất. Hơn thế nữa chính chúng lại là các Đối tượng và bởi thế nó luôn luôn vận động và làm mới.
2. TÂM THỨC VŨ TRỤ
Đến đây ta sẽ đưa vào một khái niệm mới – Tâm thức Vũ trụ. Khái niệm này được trình bày một cách ngắn gọn nhất nên nó là một khái niệm hết sức trừu tượng nhưng lại là khái niệm trung tâm của chương này. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng một định nghĩa ngắn gọn:
Định nghĩa 2: Tâm thức Vũ trụ là giao của mọi đối tượng
Định nghĩa này mô tả Tâm thức Vũ trụ là cái thuộc về tất cả mọi đối tượng trong Vũ trụ. Nói cách khác Nó có trong mọi đối tượng.
Định lý 3: Tâm thức Vũ trụ tồn tại.
Chứng minh:
Ta phải chứng minh giao của mọi đối tượng trong Vũ trụ là khác rỗng. Thật vậy vì thuộc tính vận động là có trong mọi đối tượng như tiên đề 2 đã khẳng định, mà tính vận động đến lượt nó lại là một đối tượng trong Vũ trụ nên giao của mọi đối tượng trong Vũ trụ là khác rỗng.
Để ý rằng vận động chỉ là một trong các thành tố tạo nên Tâm thức Vũ trụ. Vận động là một biểu hiện của Tâm thức Vũ trụ. Hay nói cách khác, chính vì các đối tượng luôn vận động mà chúng ta cảm nhận thấy sự tồn tại của Tâm thức Vũ trụ. Ngoài vận động, Tâm thức Vũ trụ có thể còn những thành tố khác.
Định lý 4: Tâm thức Vũ trụ là duy nhất
Chứng minh:
Giả sử v1 và v2 đều là tâm thức Vũ trụ. Ta phải chứng minh v1 trùng v2. Thật vậy vì v1 là Tâm thức Vũ trụ và v2 là một đối tương nên v1 chứa trong v2. Tiếp tục vì v2 là Tâm thức Vũ trụ và v1 là một đối tượng nên v2 chứa trong v1. Vì vậy v1 trùng v2.
Như vậy chúng ta đã định nghĩa Tâm thức Vũ trụ và chứng minh hai định lý hết sức quan trọng khẳng định Tâm thức Vũ trụ là tồn tại và duy nhất. Tuy nhiên, cách chứng minh của hai định lý trên mới chỉ đưa ra một cách định tính về sự tồn tại và duy nhất cuả Tâm thức Vũ trụ.
Định lý 5: Tâm thức Vũ trụ có trong mọi đối tượng.
Chứng minh:
Tâm thức Vũ trụ là giao của mọi đối tượng và Tâm thức Vũ trụ tồn tại duy nhất nên nó có trong mọi đối tượng trong Vũ trụ.
Thực ra, đã từ lâu loài người đã cảm nhận được sự tồn tại của Tâm thức Vũ trụ và gọi nó với các cái tên khác nhau như: Thuộc tính, Bản chất, Tạo hoá, Chân lý Tối thượng, Tự nhiên, Trời, Thượng đế v.v... Nhưng có thể nói khái niệm Tâm thức Vũ trụ ở đây tổng quát hơn các khái niệm kể trên.
Tâm thức Vũ trụ hết sức huyền ảo. Nó có trong mọi đối tượng nhưng thật khó để cảm nhận trực tiếp. Nó là thuộc tính, nó là bản chất chung nhất của mọi đối tượng. Nó chứa các quy luật tự nhiên phổ quát nhất.
Định lý 6: Mọi đối tượng trong Vũ trụ không tự nhiên mất đi mà chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác.
Chứng minh:
Giả sử rằng A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. Khi đó theo định nghĩa Tâm thức Vũ trụ suy ra A chứa Tâm thức Vũ trụ. Nếu A bị mất đi suy ra Tâm thức Vũ trụ sẽ bị mất đi. Điều này trái với hai định lý về sự tồn tại và duy nhất của Tâm thức Vũ trụ.
Đối với những đối tượng xác định và cụ thể thì định lý trên là một điều dễ hiểu. Nhưng đối với những đối tượng vô hình như truyền thống dân tộc, một nền văn hoá, một học thuyết v.v…thì việc nhận thức được như vậy không phải luôn luôn dễ dàng. Nếu ta xem các hệ thống triết học hoặc các tôn giáo chỉ là những đối tượng thì một hệ quả nữa có thể được rút ngay ra từ định lý Tâm thức vũ trụ là duy nhất
Định lý 7:
Đối với mọi triết học chỉ có một chân lý tối thượng.
Đối với mọi tôn giáo chỉ có một Thượng Đế.
Các khuynh hướng tư tưởng có thể khác nhau, thậm trí tưởng chừng đối lập nhau một mất một còn nhưng chúng vẫn có một miền giao khác rỗng (Tâm thức Vũ trụ), bởi vậy xu thế đối thoại sẽ thay thế cho sự đối đầu, sự loại trừ nhau và sẽ trở thành xu thế của thời đại.
3. KẾT LUẬN
Vũ trụ là duy nhất.Các đối tựợng trong Vũ trụ luôn vận động.Tâm thức vũ trụ là giao của mọi đối tượng nên nó có trong mọi đối tượng. Nó tồn tại và duy nhất. Nó có mặt ở khắp nơi nhưng không thể thấy hết được và cũng không thể nắm bắt hết được.
Nếu xem mỗi con người, mỗi vật là các đối tượng thì Tâm thức Vũ trụ không ở đâu xa mà ở trong chính lòng ta, ở chính trong tâm trí ta, ở chính trong các vật giản dị nhất.Không có đối tượng nào mất đi một cách vĩnh viễn mà nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác, kể cả những đối tượng hữu hình hoặc vô hình.Tâm thức Vũ trụ tồn tại và duy nhất càng khẳng định Vũ trụ này là thống nhất mặc dù các đối tượng thuộc Vũ trụ là cực kỳ phong phú muôn hình vạn trạng. Vũ trụ của chúng ta đa dạng mà thống nhất, hay thống nhất trong sự đa dạng.Thực ra có một sự tiếp cận khác đối với Vũ trụ và Tâm thức Vũ trụ. Cách tiếp cận đó là đầu tiên ta xây dựng các Vũ trụ sau đó hợp chúng lại để có Vũ trụ duy nhất. Tương tự, ta cũng xây dựng các Tâm thức Vũ trụ sau đó dùng phép giao để có một Tâm thức Vũ trụ duy nhất. Cách tiếp cận này dễ được chấp nhận vì nó đi theo một mạch tư duy thông thường nhưng tiếc thay đó là một công việc phân kỳ. Cách tiếp cận như vừa trình bày ở trên tuy có vẻ hơi khiên cưỡng khi mới đọc nhưng đó thực sự là một cách tiếp cận cô đọng và có tính khái quát rất cao.CHƯƠNG 2:
TÂM THỨC VŨ TRỤ VÀ THÔNG TIN
Trong chương 1 ta đã đưa ra định nghĩa Tâm thức Vũ trụ đồng thời chứng minh một số định lý và hệ quả liên quan tới Tâm thức Vũ trụ. Tuy nhiên các chứng minh này mới chỉ dừng lại ở việc chỉ ra một cách định tính sự tồn tại và duy nhất của Tâm thức Vũ trụ. Ngoài vận động ra, Tâm thức Vũ trụ còn có thành tố nào nữa không?
Trong chương này, chúng ta sẽ trình bày định nghĩa về thông tin đồng thời chứng minh thông tin là một thành tố tạo nên Tâm thức Vũ trụ cùng với một số định lý, hệ quả và kết luận liên quan.
Trước hết ta sẽ đưa ra khái niệm thông tin.
1. THÔNG TIN
Trong Tin học định nghĩa: “Mọi yếu tố đem lại sự hiểu biết đều được gọi là thông tin”.
Nhưng định nghĩa này mới nói đến sự hiểu biết của con người nên chưa tổng quát.
Một số nhà triết học mô tả khái niệm thông tin như sau: Mọi vật trong thế giới tự nhiên đều có thuộc tính phản ánh khi bị tác động bởi một vật khác. Quá trình này được gọi là quá trình nhận thông tin, xử lý thông tin và đưa ra kết quả của sự xử lý.
Để nhất quán chúng tôi đề nghị định nghĩa về khái niệm cơ bản này như sau:
Định nghĩa 3: Cho A và B là hai đối tượng bất kỳ, ta gọi tập hợp tất cả những mối liên hệ giữa A và B là thông tin giữa A và B.
A được gọi là nội dung thông tin của A trong B, và ngược lại B được gọi là nội dung thông tin của B trong A.
Bản thân tập hợp các mối liên hệ giữa A và B, ta gọi là vật mang tin.
Như vậy thông tin bao gồm nội dung thông tin và vật mang tin.
Bây giờ ta sẽ bàn đến Tâm thức Vũ trụ và thông tin.
2. TÂM THỨC VŨ TRỤ VÀ THÔNG TIN
Trước hết ta chứng minh một định lý vô cùng quan trọng khẳng định thông tin như một thành tố nữa ngoài vận động có ở Tâm thức Vũ trụ.
Định lý 8 : Tâm thức Vũ trụ chứa thông tin.
Chứng minh:
Theo định lý 2 về mối liên hệ phổ biến và theo định nghĩa 3 vừa nêu trên ta có giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ bao giờ cũng có thông tin về nhau. Vì vậy thông tin là thuộc tính của mọi đối tượng trong Vũ trụ và do đó, theo định nghĩa Tâm thức vũ trụ thì Tâm thức Vũ trụ chứa thông tin.
Định lý 8 vừa nêu đã cho ta thấy có thêm một thành tố nữa ngoài tính vận động ở Tâm thức Vũ trụ: đó là thông tin. Ở đây cần nhấn mạnh là vì nhận thức của chúng ta mới chỉ ở lân cận của Tâm thức Vũ trụ nên chưa hiểu một cách chính xác về Tâm thức Vũ trụ vì thế mới sinh ra việc phân biệt thành tố này thành tố kia tạo nên Tâm thức Vũ trụ, nếu suy cho cùng các thành tố đó (vận động và thông tin) chỉ là một. Điều này được suy ra từ định lý Tâm thức Vũ trụ là duy nhất.
Tuy nhiên việc xem xét Tâm thức Vũ trụ từ nhiều phía sẽ cho ta một hình ảnh rõ hơn về Tâm thức Vũ trụ. Đến đây ta đưa ra một định lý khác
Định lý 9: Thông tin giữa hai đối tượng bất kỳ luôn phải thông qua Tâm thức Vũ trụ.
Chứng minh:
Cho A và B là hai đối tượng bất kỳ, f là một mối liên hệ bất kỳ giữa A và B. Theo định nghĩa 2 suy ra f là một thông tin giữa A và B. Nhưng đến lượt mình, f lại là một đối tượng trong Vũ trụ. Theo định lý 5 thì f phải chứa Tâm thức Vũ trụ. Hay nói cách khác f phải thông qua Tâm thức Vũ trụ.
Định lý 10: Tâm thức Vũ trụ chứa toàn bộ thông tin của mọi đối tượng trong Vũ trụ.
Chứng minh:
Giả sử A là một đối tượng bất kỳ có một phần F(A) các thông tin không có ở Tâm thức Vũ trụ. Tức là sẽ tồn tại thông tin f của F(A) không thông qua Tâm thức Vũ trụ. Điều này trái với định lý 9.
Định lý 10 khẳng định nếu ngộ được Tâm thức Vũ trụ thì ta có thể hiểu được về Vũ trụ. Ta có thể xem Tâm thức Vũ trụ như là một máy tính lượng tử chứa toàn bộ thông tin của mọi đối tượng trong Vũ trụ. Các đối tượng trong Vũ trụ muốn “liên lạc” với nhau đều phải thông qua chiếc máy chủ Vĩ đại này.
Tiếp đến, ta sẽ phát biểu và chứng minh một định lý quan trọng khác
Định lý 11: Vận tốc ánh sáng không phải là giới hạn vận tốc của mọi thông tin trong Vũ trụ.
Chứng minh:
Ta sẽ chứng minh bằng cách chỉ ra một phản ví dụ. Giả sử X là một hành tinh cách chúng ta 1 triệu năm ánh sáng. Bây giờ ta sẽ tưởng tượng đang ở trên hành tinh đó. Một, hai, ba! Bắt đầu!
Chỉ trong không đầy một giây tư duy của chúng ta đã liên hệ đến hành tinh X đó.
Ở đây, giữa ta (đối tượng A) và hành tinh X (đối tượng :D đã có mối liên hệ là sự tưởng tượng f từ A đến B. Theo định nghĩa về thông tin thì f chính là thông tin giữa A và B. Và như đã thấy ở trên vận tốc của f lớn hơn nhiều lần so với vận tốc ánh sáng.
Cách chứng minh định lý 11 chưa hẳn làm bạn hài lòng nhưng vì chưa đủ hành trang nên chưa thể đưa ra một cách chứng minh đẹp đẽ hơn. Sau này chúng ta sẽ quay lại.
Bây giờ chúng ta đưa ra một định lý cực kỳ quan trọng liên quan tới vận tốc truyền thông tin của Tâm thức Vũ trụ. Trước khi phát biểu và chứng minh định lý chúng tôi xin được nói qua về hệ quy chiếu. Đây là một khái niệm mà để đi sâu vào sẽ phải tốn rất nhiều giấy mực nên trước hết chúng ta hãy tạm hiểu như khái niệm hệ quy chiếu như trong Vật lý hoặc Toán học.
Định lý 12: Tâm thức Vũ trụ truyền thông tin đến mọi đối tượng trong Vũ trụ một cách tức thời trong mọi hệ quy chiếu.
Chứng minh:
Giả sử tồn tại một đối tượng A trong Vũ trụ và tồn tại một hệ quy chiếu nào đó nhận thông tin từ Tâm thức Vũ trụ không tức thời. Tức là tồn tại một thời điểm t0 nào đó mà giữa A và Tâm thức Vũ trụ không có một mối liên hệ nào. Vì Tâm thức Vũ trụ cũng là một đối tượng nên điều này trái với định lý 2 về mối liên hệ phổ biến.
Định lý 12 cho ta khả năng giải thích một điều rất khó hiểu trong Định lý 5: “Tâm thức Vũ trụ có trong mọi đối tượng”.
Tại sao có vô vàn các đối tượng trong Vũ trụ mà đối tượng nào cũng chứa Tâm thức Vũ trụ trong khi Tâm thức Vũ trụ là duy nhất?
Thật ra các đối tượng trong Vũ trụ chỉ chứa nội dung thông tin của Tâm thức Vũ trụ trong nó hay nói cách khác, các đối tượng trong Vũ trụ chỉ chứa “ảnh” của Tâm thức Vũ trụ. Vì việc truyền thông tin từ Tâm thức Vũ trụ đến các đối tượng là tức thời nên sự phân biệt Tâm thức Vũ trụ và ảnh của Tâm thức Vũ trụ là cực kỳ khó khăn. Đôi khi ta cảm thấy chúng chỉ là một. Thậm chí, việc tách chúng làm hai, cho dù trong tư duy cũng là khiên cưỡng.
Thông tin giữa Tâm thức Vũ trụ và một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ không chỉ diễn ra theo một chiều từ Tâm thức Vũ trụ đến đối tượng đó mà còn có thông tin ngược từ đối tượng đó đến Tâm thức Vũ trụ. Sự thông tin giữa hai đối tượng bất kỳ đều phải đi qua “Máy Chủ” vĩ đại- Tâm thức Vũ trụ.
3.KẾT LUẬN
• Ngoài vận động, Tâm thức Vũ trụ còn chứa một thành tố nữa đó là thông tin. Tuy nhiên thông tin và vận động thực chất là một.
• Với việc chứng minh tồn tại những thông tin vượt vận tốc ánh sáng, chúng ta, những người trên Trái đất vẫn nhận được thông tin từ vô vàn các nền văn minh ngoài Trái đất đến Trái đất, đến chúng ta thông qua Tâm thức Vũ trụ. Vì vậy để vươn tới cái thiện, cái tốt, cái hoàn mỹ v.v... thì ta phải luôn hướng tới Tâm thức Vũ trụ tức là sống, hành động và tư duy phù hợp với những quy luật phổ quát nhất của Vũ trụ.
• Để thu nhận được những “ý thức” nêu trên chúng ta không thể dùng những thiết bị được chế tạo chỉ từ các “vật liệu” hữu hình.
• Thông tin từ một đối tượng bất kỳ đến chúng ta đều phải thông qua Tâm thức Vũ trụ. Điều này cho ta một hệ quả quan trong là: "nếu nghiên cứu thấu đáo một đối tượng bất kỳ, cho dù đối tượng đó tầm thường đến mức nào ta cũng tìm thấy chân lý thậm chí là chân lý tối thượng."
• Gần đây có những luận thuyết cho là mọi đối tượng trong Vũ trụ đã được lập trình sẵn bới một đấng Tối cao nào đó và rằng mọi đối tượng, đặc biệt là con người là đã “an bài ” và không tránh khỏi “số mệnh”. Điều này không chính xác vì thông tin giữa Tâm thức vũ trụ và một đối tượng bất kỳ là thông tin hai chiều, tức là luôn bao hàm cái mới. Hơn nữa, rất có thể có những “hacker” truy nhập vào “chiếc máy chủ vĩ đại” –Tâm thức Vũ trụ để làm thay đổi cái được gán là “định mệnh”.
CHƯƠNG 3
TÂM THỨC VŨ TRỤ VÀ NĂNG LƯỢNG
Tâm thức Vũ trụ đã chứa hai thành tố: Vận động và Thông tin. Trong chương này chúng ta sẽ cho thấy năng lượng cũng là một thành tố nữa có ở Tâm thức Vũ trụ.
1. NĂNG LƯỢNG
Năng lượng lượng là một khái niệm mà hầu như ai cũng biết nhưng để hiểu thấu đáo về nó, đặc biệt khi ta nói đến năng lượng của các đối tượng phi vật thể thì không phải bao giờ ta cũng đi đến chỗ nhất trí. Trong bài viết này chúng ta sẽ dùng năng lượng theo nghĩa sau:
Định nghĩa 4: Gọi A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. Mọi yếu tố gây ra sự vận động của A đều được gọi là năng lượng có trong A.
Trong chương 1 chúng ta đã đưa ra khái niệm vận động. Năng lượng là yếu tố gây ra sự vận động của một đối tượng bất kỳ. Không có sự vận động nào mà không có năng lượng.
2. TÂM THỨC VŨ TRỤ VÀ NĂNG LƯỢNG
Chúng ta sẽ đưa ra một định lý khẳng định năng lượng là một thành tố thứ ba có ở Tâm thức Vũ trụ.
Định lý 13: Tâm thức Vũ trụ chứa năng lượng.
Chứng minh:
Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. Theo tiên đề 2 A vận động. Theo mô tả khái niệm năng lượng và định nghĩa 4 thì A có năng lượng. Hay nói cách khác, có năng lượng là một thuộc tính của A. Theo định nghĩa của Tâm thức Vũ trụ thì Tâm thức Vũ trụ chứa năng lượng.
Như vậy, ta đã chứng minh mọi đối tượng trong Vũ trụ đều có năng lượng. Năng lượng là nguyên nhân của vận động nhưng năng lượng được biết đến thông qua vận động. Vì bản thân năng lượng cũng là một đối tượng trong Vũ trụ nên nó tuân theo tiên đề 2 và cũng không ngừng vận động.
Thông tin là một dạng của vận động nên để truyền thông tin giữa các đối tượng cũng cần phải có năng lượng. Ngược lại, năng lượng mà hai đối tượng truyền cho nhau chính là mối quan hệ của hai đối tượng đó nên năng lượng cũng là một dạng thông tin.
Tóm lại, ba thành tố: vận động, thông tin và năng lượng tạo nên Tâm thức Vũ Trụ, suy cho cùng thì chỉ là một mà thôi. Tuy nhiên, vẫn cần nhắc lại việc nhìn Tâm thức Vũ trụ từ nhiều phía sẽ cho chúng ta hình ảnh rõ nét hơn về nó.
Đến đây ta bàn đến việc truyền năng lượng giữa các đối tượng trong Vũ trụ. Ta sẽ chứng minh một định lý nói về cơ chế chung nhất của việc truyền năng lượng giữa chúng.
Định lý 14: Năng lượng được truyền giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ đều phải thông qua Tâm thức Vũ trụ.
Chứng minh:
Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. E là năng lượng được truyền giữa A và B. Khi đó rõ ràng E là mối liên hệ giữa A và B. Theo định nghĩa của thông tin thì E là thông tin giữa A và B. Theo định lý 9, E phải thông qua Tâm thức Vũ trụ.
Định lý này cho ta một định lý rất quan trọng
Định lý 15: Tâm thức Vũ trụ chứa toàn bộ năng lượng của các đối tượng trong Vũ trụ
Chứng minh:
Giả sử tồn tại một đối tượng A mà năng lượng E của nó không chứa trong Tâm thức Vũ trụ. Khi đó nếu A truyền năng lượng này cho bất cứ đối tượng nào thì E cũng không thông qua Tâm thức Vũ trụ. Điều này mâu thuẫn với định lý 14.
Như vậy chúng ta đã chứng minh được một điều vô cùng quan trọng là:
"Cùng với việc nắm giữ toàn bộ thông tin, Tâm thức Vũ trụ còn chứa toàn bộ năng lượng của mọi đối tượng trong Vũ trụ."
Tiếp theo ta sẽ chứng minh một định lý liên quan tới vận tốc của việc truyền năng lượng từ Tâm thức Vũ trụ đến các đối tượng.
Định lý 16: Năng lượng được truyền từ Tâm thức Vũ trụ đến mọi đối tượng trong Vũ trụ là tức thời đối với mọi hệ quy chiếu.
Chứng minh:
Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong một hệ quy chiếu nào đó mà nhận năng lượng từ Tâm Vũ trụ đến nó là không tức thời. Khi đó tồn tại thời điểm nào đó sao cho A không có năng lượng. Hay nói cách khác tại thời điểm to đó A không vận động. Điều này trái với tiên đề 1.
Như vậy ta đã chứng minh bốn định lý liên hệ tới năng lượng, điều này sẽ cho phép chúng ta xem xét lại bức tranh toàn cảnh của Vũ trụ.
3. KẾT LUẬN
• Nguồn năng lượng từ Tâm thức Vũ trụ cung cấp năng lượng cho từng đối tượng trong Vũ trụ một cách tức thời khiến cho ta có cảm giác năng lượng đó đã có sẵn, tiềm ẩn trong đối tượng đó.
• Bất cứ đối tượng nào muốn truyền năng lượng cho đối tượng khác đều phải truyền thông qua Tâm thức Vũ trụ. Điều này là mới mẻ đối với quan niệm xưa của chúng ta.
• Nếu chúng ta sống sống phù hợp với các quy luật phổ quát nhất thì trí tuệ càng minh mẫn vì Tâm thức Vũ trụ là giao của các chân lý. Hơn thế nữa sức khoẻ cũng càng được nâng cao vì Tâm thức Vũ trụ chứa toàn bộ năng lượng của Vũ trụ.
• Tương tự quốc gia nào có một xã hội và tổ chức nhà nước càng phù hợp với các quy luật phổ quát nhất của Vũ trụ thì quốc gia đó sẽ càng hùng mạnh.
• Bất cứ hành vi nào của con người, dù có giữ bí mật đến đâu vẫn để lại dấu vết ở Tâm thức Vũ trụ vì Tâm thức Vũ trụ chứa toàn bộ thông tin của Vũ trụ.
TÓM TẮT
• Chúng ta đã lần lượt khẳng định: Tâm thức Vũ trụ chứa vận động, Tâm thức Vũ trụ chứa thông tin và Tâm thức Vũ trụ chứa năng lượng.
Bằng việc phát biểu hai tiên đề, chứng minh 16 định lý và mộtt loạt các kết luận, bức tranh Vũ trụ hiện tồn của chúng ta đã được vẽ lên. Trong bức tranh đó, Tâm thức Vũ Trụ là tâm điểm của sự xem xét.
Tâm thức Vũ Trụ là tồn tại và duy nhất. Nó chứa toàn bộ sức mạnh của Vũ trụ. Nó mang đến sự vận động, thông tin và năng lượng cho mọi đối tượng trong Vũ Trụ một cách tức thời khiến cho ta tưởng rằng chúng là thuộc tính, cái “tự có” của các đối tượng trong Vũ Trụ.
• Muốn hướng đến cái thiện, cái thông tuệ, cái cao thượng tình yêu và lòng vị tha v.v... thì phải hướng tới Tâm thức Vũ Trụ. Nơi đó hội tụ tất cả các chân lý vĩ đại, hội tụ tất cả trí tuệ của các nền văn minh. Nơi đó chứa toàn bộ thông tin và năng lượng của Vũ Trụ.
• Khôngcần phải sợ rằng càng phát hiện ra nhiều thành tố tạo nên Tâm thức Vũ trụ thì sẽ mâu thuẫn với hai định lý Tâm thức Vũ trụ tồn tại và duy nhất vì giao của các thành tố đó sẽ tiến đến gần Tâm thức Vũ trụ hơn.
• Tâm thức Vũ Trụ có trong mọi đối tượng nói chung và có trong mọi con người, mọi sinh linh nói riêng. Tâm thức Vũ Trụ ở ngay trong lòng ta, trong tâm trí ta và ngay trong những thứ giản dị nhất.
CHƯƠNG 4
VŨ TRỤ Ý THỨC
Chúng ta lại tiến thêm một bước về phía Tâm thức Vũ Trụ để khám phá những thành tố mới mà trong một chừng mực nào đó có thể nói là sâu sắc hơn các thành tố Vận động, Thông tin và Năng lượng được mô tả trong ba chương đầu của học thuyết Tâm thức Vũ Trụ. Đó là Ý Thức.
Trong chương này chúng ta sẽ xây dựng khái niệm Ý Thức và Vũ Trụ Ý Thức. Vật Chất sẽ được nghiên cứu kỹ ở chương sau.
1.Ý THỨC
Trước hết, ta đưa vào hai khái niệm cơ bản : đối tượng hữu hình và đối tượng vô hình
Định nghĩa 5: Đối tượng hữu hình là đối tượng có kích thước hình học
Cái bàn, cái cốc, thân thể con người, con sông, dãy núi, trái đất, hạt nhân nguyên tử, hạt quark, các photon, thân xác các siêu vi khuẩn. v.v… là các ví dụ về các đối tượng hữu hình
Định nghĩa 6: Đối tượng vô hình là đối tượng không có kích thước hình học.
Tư duy, ý nghĩ, khái niệm, truyền thống, tình yêu, hạnh phúc, lòng căm thù, tính cao thượng, linh hồn, văn hoá phi vật thể...v.v…là các ví dụ về các đối tượng vô hình.
Vì các đối tượng hữu hình hay đối tượng vô hình đều là đối tượng trong Vũ Trụ nên theo định lý 5 chúng đều chứa Tâm thức Vũ Trụ. Điều này cho thấy khi tiến tới Tâm thức Vũ Trụ đối tượng vô hình và đối tượng hữu hình chỉ là một.
Đừng nghĩ rằng đối tượng vô hình không có năng lượng. Thật vậy vì đối tượng vô hình cũng chứa Tâm thức Vũ Trụ mà năng lượng là thành tố của Tâm thức Vũ Trụ nên đối tượng vô hình vẫn phải có năng lượng.
Định nghĩa 7: Nội dung thông tin của một đối tượng A bất kỳ trong Tâm thức Vũ Trụ được gọi là ý niệm tuyệt đối về A.
Định lý 20: Ý niệm tuyệt đối về một đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ là một đối tượng vô hình.
Đến đây chúng ta phát biểu một định nghĩa nói lên quan điểm dứt khoát của chúng ta về Ý Thức.
Định nghĩa 8: Ý thức của một đối tượng bất kỳ trong vũ trụ là tập hợp tất cả các mối liên hệ vô hình của nó với mọi đối tượng trong vũ trụ.
Tiếp theo đây ta sẽ chứng minh một định lý rất hay về ý thức.
Định lý 22: Mọi đối tượng trong Vũ trụ đều có Ý Thức
Chứng minh:
Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ trụ. Ta chỉ cần chứng minh tồn tại một mối liên hệ vô hình của A với một đối tượng nào đó trong Vũ Trụ. Thật vậy, luôn tồn tại mối liên hệ f :" Ý niệm tuyệt đối về A" là một mối liên hệ vô hình giữa A và Tâm thức Vũ Trụ.
Mọi đối tượng đều có ý thức kể cả những vật mà loài người cho là vô tri nhất. Định lý 22 còn cho ta giải thích tại sao loài người, đặc biệt là trong văn chương lại có loại văn Nhân Cách hoá; tại sao loài người lại thờ nhiều thần như thế : thần biển, thần núi, thần gió, thần mặt trời v.v…; tại sao lại có các khái niệm “ hồn nước”, “hồn thiêng song núi”,v.v….
Như vậy Ý Thức có trong mọi đối tượng, do đó nó là một thành tố tạo nên Tâm thức Vũ Trụ.
Định lý 23: Tâm thức Vũ Trụ chứa Ý Thức.
Chứng minh:
Vì Tâm thức Vũ Trụ là giao của mọi đối tượng và đối tượng nào cũng có Ý Thức nên Tâm thức Vũ Trụ chứa Ý Thức.
Để ý một chút, chúng ta thấy Ý Thức chính là một trường hợp đặc biệt của Thông Tin do đó việc truyền ý thức từ Tâm thức Vũ Trụ đến mọi đối tượng trong Vũ Trụ là tức thời trong mọi hệ quy chiếu tuy nhiên cơ chế truyền Ý Thức trong Vũ Trụ có nhiều điểm đặc biệt mà ta sẽ nói sau.
Vì Ý Thức cũng là một đối tượng trong Vũ trụ nên nó tuân theo tiên đề 2: Nó luôn luôn vận Động.
Để cho hoàn chỉnh và theo mạch tư duy giống như khi bàn đến Thông Tin, ta sẽ chứng minh một loạt các định lý sau.
Định lý 24: Ý Thức truyền cho nhau giữa hai đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ bao giờ cũng phải thông qua Tâm thức Vũ Trụ.
Chứng minh:
Giả sử A và B là hai đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ, f là một mối liên hệ vô hình bất kỳ giữa A và B. Theo định nghĩa Ý Thức suy ra f là Ý Thức. Nhưng đến lượt mình f lại là một đối tượng trong Vũ Trụ. Theo định lý 5, f phải chứa Tâm thức Vũ Trụ. Hay nói cách khác f phải thông qua Tâm Vũ Trụ.
Định lý 25: Tâm Vũ Trụ chứa toàn bộ Ý Thức của mọi đối tượng trong Vũ Trụ
Chứng minh:
Ta chứng minh bằng phản chứng. Giả sử tồn tại một đối tượng A có một phần Ý Thức F(A) không có trong Tâm Vũ Trụ. Khi đó tồn tại một ý thức f chứa trong F(A) không thông qua Tâm Vũ Trụ. Điều này trái với định lý 24 vừa phát biểu.
Định lý 26: Tâm Vũ Trụ truyền Ý Thức đến mọi đối tượng trong Vũ trụ là tức thời trong mọi hệ quy chiếu.
Chứng minh:
Ta chứng minh bằng phản chứng. Giả sử tồn tại một đối tượng A trong Vũ Trụ nhận được Ý thức từ Tâm Vũ Trụ đến mình không tức thời. Suy ra tồn tại một thời điểm t0 A không có Ý Thức. Điều này trái với định lý 22.
Đến đây ta sẽ chứng minh định lý 11 trong chương 2 một cách tường minh hơn.
Định lý 27 : Vận tốc ánh sáng không phải là giới hạn vận tốc của ý thức trong Vũ trụ.
Chứng minh:
Giả sử A và B là hai đối tượng cách nhau 1 tỷ năm ánh sáng, f là một ý thức từ A đến B.
Theo định lý 24 “đoạn đường” mà f chuyển động được chia thành 2 phần d1: từ A đến Tâm thức Vũ Trụ và d2: từ Tâm Vũ Trụ đến B.
Theo định lý 25 thì f chuyển động trên d1 là tức thời.
Theo định lý 26 f chuyển động trên d2 cũng tức thời.
Vậy thì f chuyển động từ A đến B là tức thời. A và B cách nhau 1 tỷ năm ánh sáng nên f có vận tốc lớn hơn vận tốc ánh sáng.
Chúng ta đã chứng minh một loạt các định lý rất quan trọng với cách chứng minh hết sức giản dị… nhưng nó chứa đựng một "vũ trụ quan" khác hẳn. Tâm thức Vũ Trụ chứa toàn bộ ý thức của Vũ Trụ và cấp phát những ý tưởng, những cảm xúc, những tình yêu, những chân lý v.v.. xuống các đối tượng một cách tức thời làm cho chúng ta tưởng rằng những thứ đó có sẵn trong các đối tượng.
Khi truyền tình yêu hoặc lòng căm thù đến một người nào đó thì tình yêu đó, lòng căm thù đó phải tập kết ở Tâm thức Vũ Trụ rồi mới được truyền đến người đó…
Ở Tâm thức Vũ Trụ không có cái gì là tương đối, là ngẫu nhiên, là may rủi. Tất cả là tuyệt đối là chính xác hoàn toàn, là chắc chắn.
2.VẬT CHẤT
Ta sẽ nghiên cứu Vật Chất kỹ hơn trong các chương sau.
Định nghĩa 9: Tập hợp tất cả các thành tố hữu hình tạo nên một đối tượng bất kỳ A và các mối liên hệ hữu hình của A với mọi đối tượng trong Vũ Trụ được gọi là Vật Chất của A.
Ta sẽ chứng minh ngay sau đây một định lý để chúng ta hình dung rõ hơn về Vũ Trụ
Định lý 28: Mọi đối tượng trong Vũ Trụ đều có Vật Chất.
Chứng minh:
Giả sử A là một đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ. Theo tiên đề 2, A luôn luôn vận động, do đó luôn tồn tại mối quan hệ hữu hình của A vì vậy A luôn có tính vật chất.
Định lý trên được các nhà triết học Duy Vật coi như một Tiên đề. Như vậy một đối tượng A bất kỳ trong Vũ Trụ đều gồm 2 phần: Vật Chất và Ý Thức.
Lưu ý:
1) Đối với một đối tượng bất kỳ trong Vũ Trụ bao giờ cũng có cả Vật Chất và Ý Thức trong nó. Không có đối tượng nào hoàn toàn là vô tri. Núi có hồn của núi, sông có hồn của sông, các cơn bão cũng có Ý Thức.v.v..
Ngược lại không có đối tượng nào chỉ có thuần túy Ý Thức. Linh hồn của một người đang sống hoặc đã chết vẫn có các mối liên hệ Vật Chất với các đối tượng hữu hình. Tư duy của một con người có thể biến thành một sức mạnh Vật Chất. Ý Thức có thể làm thay đổi quỹ đạo của một cơn bão, gây ra động đất v.v…
2) Vật Chất và Ý Thức trong một đối tượng là thống nhất không thể tách rời do đó câu hỏi cơ bản của triết học: “ Vật Chất và Ý Thức cái nào có trước? Cái nào có sau? Cái nào quyết định cái nào?” là một câu hỏi không có nghĩa!!!
.....
....
Hà Nội, ngày 16/08/2004
TS. Đinh Xuân Thọ
................................................................
Tôi không quen biết anh Thọ, cũng như anh Thiên Sứ cũng không biết mặt tôi... và tôi thực sự rất ấn tượng về bài viết này. Trong bài viết trên, tôi đã biên dịch lại đôi chỗ nhằm giúp cho nó thân thiện hơn với mọi người.
Thân mến