Chính sách một con dẫn đến một dân tộc giận dữ?
- Chính sách “một con” nhằm mục tiêu giảm dân số ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 1979. Gần như lập tức, nó bị chỉ trích nặng nề ở phương Tây. Hôm nay những vấn nạn khác đã hình thành trong một xã hội thừa hóc môn nam (testosterone), như học giả Trung Quốc thừa nhận. Các gia đình ở nước này sắp được sinh con theo ý muốn nhưng vẫn khan hiếm phụ nữ để làm thiên chức này.
Một lộ trình giảm dân số
Sau khi ông Mao Trạch Đông tuyên bố chính thức chấm dứt Văn cách (Đại cách mạng văn hoá) năm 1969, từ 1970 đến 1979, đã thực hiện khẩu hiệu “muộn, lâu, ít” (đẻ muộn, đẻ cách quãng, đẻ ít). Dù bị phê phán là duy ý chí, tổng tỷ lệ sinh đẻ lúc này đã giảm được từ 5,9 xuống 2,9. (Tới nay tỷ lệ này là 1,7) (1).
Lo ngại gia tăng dân số sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế, xã hội, môi trường (nói nôm na như tờ USA TODAY (2), là làm cạn kiệt nhanh nguồn thức ăn, nước uống vốn dĩ đã khan hiếm của Đại lục), năm 1979 Bắc Kinh bắt đầu thực hiện chính sách mỗi gia đình chỉ sinh một con, phạt các gia đình sinh con thứ hai.
Chính sách “một con” đưa lại một cộng đồng dư thừa nam tử Hán. Ảnh minh họa: IE
Các tác giả như Susan Greenhalgh cho rằng tại thời điểm ra quyết định có một số lựa chọn khác, ngoài chính sách “một con”, nhưng chúng đã không được chiếu cố đến(3), vì đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn, đồng thời không hoà điệu được với các ván cờ tiếp sau của Trung Nam Hải(4).
Cuối những năm 1980, khi các máy chẩn đoán siêu âm mang xách trở nên thông dụng, ngày một nhiều hơn những thai phụ chọn cách phá thai khi biết được giới tính của bào thai là nữ. Các học giả cho rằng đây là bước ngoặt của sự chênh lệch tỉ lệ giới tính trẻ sơ sinh.
Tác giả A. Boer nhận xét: “Tôi không nghĩ ban đầu chính phủ Trung Quốc đã quan ngại rằng công nghệ siêu âm sẽ được dùng để xác định giới tính. Bởi họ chỉ chăm chắm làm sao tỷ lệ sinh con giảm. Nhưng khi sự chênh lệch giới tính bộc lộ rõ vào những năm 90, việc dự đoán giới tính bị xem là bất hợp pháp”. Tuy nhiên thực trạng này vẫn tràn lan.
Đầu thiên niên kỷ, Chính phủ Trung Quốc tiến hành một chiến dịch tuyên truyền tổng lực (5) để chống lại tập quán “khát con trai”. Áp phích thường thấy là một người mẹ phàn nàn là bà bị ba người con trai bỏ rơi, không thăm nom, trong khi một bà mẹ khác cười hạnh phúc, vì được con gái hiếu thảo chăm sóc. Nhưng thiên kiến “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại dai dẳng.
Năm 2008, Uỷ ban quốc gia dân số và kế hoạch hoá Trung Quốc khẳng định chính sách “một gia đình một con” sẽ được áp dụng ít nhất một thập kỷ nữa.
Năm 2010, Uỷ ban này nhận định rằng ngày càng nhiều công dân hoặc làm ngơ, hoặc vi phạm chính sách “một gia đình một con”, và khẳng định chính sách này sẽ được áp dụng ít nhất đến năm 2015.
Từ 1979 tới 2011, chính sách “một con” được xem là đã ngăn ngừa được khoảng 400 triệu ca sinh nở. Tháng ba vừa qua, Chính phủ Trung Quốc cho biết đang xem xét lại chính sách “một gia đình một con” theo hướng cho phép các gia đình có con thứ hai (6).
Sự giết hại những bé gái
Qua truyền thông, rõ ràng cung cách có được con trai bằng mọi giá ở châu Á gây sốc cho người phương Tây, và cả Đông Âu.
Năm 1990, một bài báo gây chấn động ở Mỹ khẳng định nạn “bị giết hại vì giới tính” (gendercide) cướp đi quyền sống của cả trăm triệu cá thể nữ ở các nước kém phát triển, trong đó phân nửa (50 triệu) là con số cá thể nữ “mất tích/missing women” chỉ ở riêng Trung Quốc. Đồng thời, bài báo chỉ ra rằng năm đó (1990), “ngay cả ở châu Á, nơi có tỷ lệ nữ giới thấp nhất trên thế giới, thì Đông Nam Á và Đông Á, trừ Trung Quốc, vẫn có tỷ lệ phụ nữ trên đàn ông chỉ cao hơn 1:1 một chút (khoảng 1:1,01)” (7).
Nhiều phúc trình và sách báo khác, khá sớm, cũng gây chấn động dư luận khi chỉ ra thai nhi đã 8,5 tháng, thậm chỉ 9 tháng tuổi, hoặc thậm chí đã lọt lòng, nhưng mẹ chúng vẫn bị ép buộc phải sẩy (bằng các liệu pháp y tế khác nhau) (8).
Năm 1999, Stephen Moore, thuộc viện Cato, Washington, đã dự báo rằng “chính sách một con” là một cuộc diệt chủng nữa... Ông dự báo rồi khối các nước theo kinh tế thị trường sẽ phải giải quyết nạn đất chật người đông và nhu cầu tiêu thụ không thể đáp ứng của các nước đang phát triển (9).
Vừa mới đây, một bài báo đăng trên tờ The New York Times cho hay (đến ngày 26/6/2011) số cá thể nữ bị “giết hại vì giới tính” trên thế giới đã lên tới hơn 160 triệu. Bài báo cáo buộc rằng chính sách của Bắc Kinh đã làm cho hầu hết các cuộc phá thai ở Đại lục trở nên tự nguyện. Và sự “làm ngơ” của Washington trong vấn đề này cũng đang bắt cả Mỹ cả trả giá, ít nhất là trong sự chênh lệch giới của cộng đồng người gốc Á ở Mỹ (10)…
Dấu ấn của tiểu nông
“Trọng nam khinh nữ” là một định kiến lâu đời. Một trong những nguyên nhân của nó hẳn là phong tục cô dâu phải có của hồi môn, tạo nên một gánh nặng đến mức gây nợ nần cho các gia đình có con gái.
Vì đặc tính nông nghiệp châu Á, gia đình thuần nông luôn cần nhiều nhân công, lại không tồn tại chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội ở nông thôn, nên người ta cố đẻ con, nhất là con trai, để khước từ sự lo lắng truyền đời về tình trạng bấp bênh lúc tuổi già, khi mất sức lao động. Con trai luôn được coi trọng hơn, và vì truyền thống tam tòng. Con dâu trở thành một thứ con đẻ, còn con gái là con người ta. Trung Quốc là nước sau khi kết hôn, vợ mang họ chồng. Tồn tại quan điểm coi trọng ông bà nội, ông bà nội thường được chăm sóc tốt hơn ông bà ngoại. Ngược lại, con trai phải có nghĩa vụ chính trong phụng dưỡng cha mẹ (11), và giữ hương lửa trong thờ cúng tổ tiên.
A. Boer, tác giả của các công trình khoa học nổi tiếng về tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở Trung Quốc, nhận định: “Ở các đô thị, hiện giá trị của con gái đang tăng do có điều kiện học hành, họ có thể có thu nhập ổn định. Nhưng Trung Quốc vẫn là một nước nông nghiệp là chính. Ở nông thôn vẫn chưa ý thức được vai trò của người con gái như nhân tố đem lại lợi ích kinh tế cho gia đình cha mẹ cô, vì cô gái sẽ lấy chồng, và rời khỏi gia đình”.
Nhưng gần như không thấy các bài viết Âu Mỹ nêu bật tập quán nhất thiết phải có người nối dõi (nỗi sợ “mất giống”) của người Á Đông. Đây mới là nguyên nhân sâu xa làm mất đi hy vọng sống sót của bào thai nữ, tước đoạt quyền sống của bé gái sơ sinh (ở Ấn Độ, ở các vùng xa tại Trung Quốc, như sách báo vẫn đưa tin), là sự hắt hủi đến mức bị ruồng bỏ của người vợ, người con dâu không sinh được con nối dõi, là thói đèo bòng thê thiếp… ở nhiều nước châu Á.
Thiên nhiên phục thù
Về kinh tế gia đình, các khoản tiết kiệm đã tăng kể từ khi chính sách một con được áp dụng. Nhờ nó, các hộ gia đình chi dùng ít hơn, cả về thời gian lẫn tài chính, vào việc nuôi dạy con. Thứ hai, vì các bậc cha mẹ có ít hy vọng hơn vào việc sẽ được con phụng dưỡng lúc tuổi già, xu thế dành tiền tiết kiệm cho tương lai cũng tăng trưởng (12).
Nhưng quốc sách “mỗi gia đình chỉ sinh một con” đã gây những hậu quả tương hỗ. Đó là làm tăng tỉ lệ người cao tuổi trong xã hội Trung Quốc, đồng thời thu hẹp khả năng họ được phụng dưỡng tuổi già, nhất là về mặt kinh tế, do số người trẻ giảm đi.
Chính sách một con cũng là mục tiêu cho nhiều cáo buộc về vi phạm nhân quyền ở Trung Hoa từ phía phương Tây (13).
Khi cách cư xử ở Đại lục trở nên quyết liệt hơn, các bài viết của phương Tây cũng trở nên gay gắt hơn. Đơn cử, bài viết “Chính sách một con của Trung Quốc dẫn đến một dân tộc giận dữ” (14) của H. Kimball.
Tháng Ba 2007, tại hội nghị do Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Hoa tổ chức nhằm tham vấn về việc bãi bỏ Luật “một con”, các đại biểu đã chỉ ra các tác động xấu lên thế hệ trẻ Trung quốc mà chính sách này gây ra như bệnh “quý tử”, kém về kỹ năng giao tiếp và cộng tác, do không có anh chị em. Giáo sư Ye Tingfang, Viện Hàn lâm khoa học TQ khẳng định: “Hạn mức sinh một con là quá cực đoan. Nó phản lại quy luật tự nhiên. Nhìn về lâu về dài, nó tất dẫn tới sự báo thù của Mẹ thiên nhiên” (15). Chú thích: (1)http://en.wikipedia.org/wiki/One-child_policy#cite_note-steps_up-1
(2)http://www.usatoday.com/news/world/2002/06/19/china-usat.htm
(3)http://en.wikipedia.org/wiki/One-child_policy#cite_note-37
(4)http://www.timesonline.co.uk/tol/life_and_style/article448270.ece
(5)ttp://www.timesonline.co.uk/tol/life_and_style/article448270.ece
(6)http://www.marketwatch.com/story/china-reportedly-considering-two-child-policy-2011-03-07
(7)http://www.nybooks.com/articles/archives/1990/dec/20/more-than-100-million-women-are-missing/?pagination=false
(8)http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/china/1336466/Chinese-region-must-conduct-20000-abortions.html
(10)http://www.cato.org/pub_display.php?pub_id=5457
(11)http://www.nytimes.com/2011/06/27/opinion/27douthat.html?nl=todaysheadlines&emc=tha212
(12) http://en.wikipedia....note-steps_up-1
Barry Naughton, The Chinese Economy: Transitions and Growth, Cambridge, Massachusetts: MIT Press, 2007
(13) http://en.wikipedia....e_note-CPPCC-58
(14)http://www.newser.com/story/31138/chinas-one-child-policy-leads-to-nation-of-angry-men.html
(15) Nhật báo Thượng Hải, http://english.sina....315/106515.html, và
http://www.asianews....art=8757&size=A
Lê Đỗ Huy (tổng hợp)