Nga nói thẳng quan hệ với Trung Quốc sau vụ Biển Đông
(Quan hệ quốc tế) - "Chính sách của chúng ta phải là chính sách không thân Trung Quốc và cũng không thân Việt Nam, mà là thân Nga".
Vì Biển Đông, TQ tăng cường vận động hành lang ở Nga
Trung Quốc chống tàu ngầm không người lái Mỹ trên Biển Đông
Thời gian gần đây báo chí Nga nói nhiều về quan hệ Nga- Trung Quốc (TQ).
Từ chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Nga V.Putin, ý định chuyển các xí nghiệp, nhà máy thuộc 12 ngành công nghiệp TQ sang vùng Viễn Đông Nga đến “mong muốn” của Trung Quốc trao đổi công nghệ điện tử để đối lấy công nghệ chế tạo động cơ tên lửa của Nga và v.v .
Còn mối quan tâm của chúng ta (Người Việt) – đó là phát biểu gần đây nhất của X.Lavrov (Bộ trưởng ngoại giao Nga) về Biển Đông – những bạn đọc quan tâm chắc đã biết, nếu chưa, xin xem phần sau của bài này.
Nhằm cung cấp thêm một cách nhìn, xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn đăng trên báo “Lenta.ru” ngày 20/4/2016 về quan hệ Nga – Trung của một học giả Nga.
Xin bạn đọc quan tâm đến cách đặt câu hỏi của phóng viên “Lenta.ru” và nhấn mạnh đây là quan điểm riêng của ông này.
Và đây là nguyên văn bài trên báo “Lenta.ru”:
Tập Cận Bình và Vladimir Putin .Ảnh : RIA Novosti / Reuters
Lời dẫn của “Lenta.ru”: Sau khi đã hủy hoại mối quan hệ với Phương Tây, Nga tuyên bố bắt đầu chuyển hướng sang phía Đông. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng tiến trình đó đang chững lại, còn Trung Quốc - quốc gia được chúng ta (Nga) coi là cứu cánh của nền kinh tế Nga đã không xứng đáng với những kỳ vọng trước đó.
Để làm rõ có phải như vậy không và nói chung là mối quan hệ giữa Matxcova và Bắc Kinh đã phát triển như thế nào, “Lenta.ru” đã trao đổi với Vụ trưởng Vụ quan hệ quốc tế Trường kinh tế cao cấp, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Á và Tổ chức hợp tác Thượng Hải thuộc Trường đại học quan hệ quốc tế Matxcova ( MGIMO) Aleksandr Lukin.
Lenta.ru: - Hai năm trước giọng điệu của các tuyên bố (của Nga) là: từ bây giờ chúng ta (Nga) sẽ cùng người TQ cho bọn Phương Tây kiêu ngạo kia biết cái gì là cái gì. Hiện nay lại có phát biểu kiểu khác: đại loại, không đạt được một kết quả gì cả, Trung Quốc không ủng hộ chúng ta. Theo ông thì chính sách “hướng Đông”đã thảm bại hay đang thành công?
A. Lukin: - Cần phải làm rõ thêm một số chi tiết. Thứ nhất, căn cứ vào đâu mà chúng ta nói là “chuyển hướng Đông” mới bắt đầu từ hai năm trước? Sự chuyển hướng này đã được bắt đầu ít nhất từ Piot Đại đế (cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII –ND). Dưới thời Stalypin (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX- ND) tiến trình này cũng được thực hiện.
Liên Xô cũng đã có những bước đi theo hướng này – khi L. Breznhev cầm quyền, các viện nghiên cứu khoa học được yêu cầu tập trung sự chú ý vào khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Thứ hai, tại sao cứ nói đến Trung Quốc thì lại gọi đó là "chuyển sang hướng Đông"? Trung Quốc nằm ở phía Nam nước Nga, và đối với một số khu vực của Nga thì Trung Quốc còn nằm ở phía Tây. Cách diễn đạt “chuyển sang Hướng Đông”- đấy là hệ quả lối tư duy hướng Tây của chúng ta.
Lenta.ru: - Thôi được rồi, ông đã làm rõ các chi tiết. Nhưng chúng ta hãy quay trở lại bản chất của vấn đề. Chúng ta đã gây hiềm khích với Châu Âu và Mỹ. Còn với Trung Quốc thì có xích lại gần nhau hơn được không? Ví dụ, mùa xuân năm 2014 đã có một hợp đồng giữa GAZPROM (Nga) với CNPC (Tập đoàn dầu khi quốc gia) TQ được ký kết. Đã ký một số thỏa thuận quan trọng cung cấp vũ khí (cho TQ). Còn gì nữa không?
A.Lukin: - Bạn nói về kinh tế. Kinh tế, tất nhiên, là quan trọng, nhưng nội dung chủ yếu của sự xích lại gần nhau Nga-Trung không phải là kinh tế, mà là chính trị - thậm chí là địa- chính trị. Matxcova và Bắc Kinh có những quan điểm tương đồng liên quan đến trật tự thế giới phải như thế nào?
Nga và Trung Quốc hướng tới một thế giới đa cực, chống độc quyền của một trung tâm sức mạnh, ủng hộ duy trì luật pháp quốc tế được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ủng hộ vai trò hàng đầu của Liên Hợp Quốc. Đối với các vấn đề khu vực và xung đột khu vực, quan điểm của Nga và Trung Quốc cũng trùng nhau.
Còn về kinh tế, thì kinh tế đi sau chính trị. Và tương đối thành công. Bạn vừa liệt kê các hợp đồng riêng rẽ. Điều đó là quan trọng, nhưng chỉ là các chi tiết. Từ năm 2010 – tức là rất lâu trước khi mối quan hệ giữa chúng ta (Nga) với Phương Tây xấu đi – Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại chủ yếu của Nga, vượt Đức và các nước Châu Âu khác.
Lenta.ru: - Nhưng trong thời gian gần đây, kim ngạch trao đổi hàng hóa Nga- Trung sụt giảm. Chúng ta đã từng tuyên bố là đến năm 2015 kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ đô la, còn đến năm 2020 – 200 tỷ đô la. Tuy nhiên, con số trên trong năm 2015 ít hơn 70 tỷ đô la, giảm so với năm trước (2014) tới 20 tỷ đô la.
A. Lukin:- Thế thì sao? Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chủ yếu của chúng ta. Còn kim ngạch thương mại giảm không chỉ với mình Trung Quốc – mà với tất cả các nước khác. Điều đó liên quan đến sự sụt giảm giá dầu và v.v . Và, nhân đây xin nói là kim ngạch thương mại toàn cầu giảm, tại Liên minh Châu Âu, kim ngạch thương mại cũng giảm.
Nói tổng thể, kim ngạch thương mại của chúng ta với Trung Quốc giảm, khi trong nước (Nga) xuất hiện những vấn đề kinh tế gì đấy – ví dụ, như trong năm 1998, trao đổi hàng hóa song phương giảm tới 30%. Nhưng khi tình hình tốt lên, kim ngạch thương mại lại tăng.
Lenta.ru: - Chứ cho là như vậy đi, và kinh tế không phải là quan trọng nhất. Nhưng trong lĩnh vực chính trị thì trong hai năm trở lại đây đã có cái gì cụ thể được thực hiện để có thể coi đó là một chỉ số cho thấy sự xích lại gần nhau không?
A. Lukin:- Trong lĩnh vực chính trị thì nói chung (quan hệ giữa –ND) chúng ta đã kịch trần. Tiếp theo chỉ có thể phát triển theo chiều sâu. Chúng ta (Nga–Trung. ND) đã thiết lập cơ chế đối tác chiến lược mà duy nhất chỉ giữa Nga và Trung Quốc có – cả hai nước không có cơ chế tương tự với các nước khác.
Hàng năm diễn ra các cuộc gặp của những người đứng đầu nhà nước và chính phủ. Có hai ủy ban liên chính phủ thường trực – Ủy ban về hợp tác kinh tế và Ủy ban về hợp tác xã hội- nhân văn. Các bộ ngành hai bên thường xuyên tiến hành các buổi tham vấn lẫn nhau.
Đã thiết lập đường dây liên lạc trực tiếp giữa các thành phố, khu vực, các xí nghiệp hai nước. Có nghĩa là khó có thể bổ sung thêm một cái gì nữa. Không những thế, tất cả (cơ chế này) được thiết lập trước khi quan hệ Nga- Phương Tây xấu đi.
Tập Cận Bình đến Vladivostok . Ảnh : Xinhua / Zumapress / Globallookpress.com
Quay trở lại lĩnh vực kinh tế. Cuối năm ngoái hai bên đã ký một số hợp đồng đầu tư lớn. Và điều đặc biệt quan trọng là Trung Quốc đầu tư vào khu vực dầu khí Nga. Trước khi Nga- Phương Tây xung đột, các công ty Trung Quốc không được phép tiếp cận lĩnh vực này. Ví dụ, trong năm 2002, khi bán “Slavnheft”, CNPC của Trung Quốc không được tham gia đấu thầu.
Tất nhiên, những chỉ thị phải làm như vậy không được công bố công khai, nhưng bao giờ cũng tìm ra cái cớ gì đó để chỉ các công ty Phương Tây mới có thể mua được các xí nghiệp dầu khí của chúng ta (Nga), còn các công ty Trung Quốc thì không. Và được giải thích là vì lý do an ninh chiến lược.
Hiện nay tất cả đã thay đổi, chúng ta chờ đợi và hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc. Dĩ nhiên, quả thực là cũng có quan điểm là các cuộc đàm phán (giữa Nga và Trung Quốc) đã được tiến hành từ rất lâu và kết quả các cuộc đàm phán đó (Trung Quốc đầu tư vào khu vực dầu khí –ND) tuyệt đối không liên quan gì đến tình trạng xấu đi trong quan hệ giữa Nga và Phương Tây.
Cũng có thể như thế, nhưng nếu vậy thì đó là một sự trùng hợp lạ lùng. Tôi cho rằng, trong thời gian gần đây, vị thế của những người đồng ý cho phép người Trung Quốc tiếp cận lĩnh vực dầu khí Nga đã được củng cố. Chúng ta cũng có thể thấy tình hình tương tự trong buôn bán vũ khí. Trung Quốc đã trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400.
Cũng đã ký hợp đồng mua Su-35. Đấy là trong bối cảnh cách đây không lâu còn nhiều người cho rằng không nên bán cho Trung Quốc những loại vũ khí mới nhất của chúng ta. Nói cách khác, sau khi mối quan hệ Nga- Phương Tây xấu đi thì trong quan hệ Matxcova – Bắc Kinh tuy chưa bắt đầu một giai đoạn mới nào đó về nguyên tắc, nhưng đã có một số xung lực để phát triển.
Lenta.ru:- Gần một năm trước đây – tháng 5/2015 – đã có tuyên bố về việc bắt đầu kết nối Liên minh kinh tế Á- Âu với Vành đai kinh tế con đường tơ lụa của Trung Quốc. Trong thời gian qua đã làm được những gì trong hướng này?
A.Lukin:- Các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc đã ký một tuyên bố trong đó đưa ra ý tưởng cơ bản của sự kết nối đó. Theo tôi hiểu, vấn đề là ở chỗ 2 dự án cần phải được thực hiện nhưng không gây tổn thất cho nhau mà cần phải tạo được hiệu ứng tổng hợp. Nhưng Liên minh kinh tế Á - Âu có 5 quốc gia.
Và Nga cần phải thuyết phục các thành viên còn lại của Liên minh là điều đó (kết nối hai dự án –ND) cũng có lợi cho họ. Đối tác của Trung Quốc tại các cuộc đàm phán phải là Ủy ban kinh tế Á- Âu, chứ không phải là một quốc gia riêng rẽ nào đó. Hiện nay Ủy ban này đang chuẩn bị những kiến nghị cụ thể với phía Trung Quốc về các công trình, tuyến kết nối, các tuyến đường.
Lenta.ru: - Liệu có thể thuyết phục được các đối tác trong Liên minh kinh tế Á- Âu là sự kết nối như vậy cũng cần cho họ không? Ai cũng biết là tại một số nước, ví dụ như Kazakhstan, tâm lý chống Trung Quốc, bài Trung Quốc rất mạnh.
A.Lukin: - Tâm lý bài Trung cũng có tại Nga, mặc dù trong thời gian gần đây có trở nên ít hơn so với những năm 1990. Nhưng tại Kazakhstan và đặc biệt là Kirgistan, tâm lý bài Trung đặc biệt phổ biến. Những nước không lớn (nhỏ) e ngại rằng, nếu mở cửa thị trường cho hàng hóa Trung Quốc, thì nền kinh tế của họ sẽ bị hủy diệt.
Còn một định kiến rất phổ biến nữa là chỉ cần buông lỏng kiểm soát thì dòng người di cư Trung Quốc sẽ tràn ngập đất nước họ. Quả thực, các số liệu thống kê đã bác bỏ điều này. Nhưng đó là những gì liên quan đến xã hội, còn chính phủ các nước thành viên Liên minh kinh tế Á- Âu ủng hộ ý tưởng kết nối.
Lenta.ru: - Quan hệ Nga và Phương Tây xấu đi nghiêm trọng sau khi Crimea sát nhập vào Nga. Trung Quốc có thái độ như thế nào đối với các bước đi chính trị đối ngoại kiên quyết của Matxcova – sát nhập Crimea hay chiến dịch tại Syria?
A. Lukin: - Những vấn đề này cần phải được tách riêng ra. Bắc Kinh chưa bao giờ ủng hộ việc thay đổi đường biên giới của các nước khác. Đấy là một lập trường nguyên tắc. Chính vì vậy mà trên các diễn đàn hoặc tuyên bố công khai thì Trung Quốc công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ucraine.
Tuy nhiên, trong các bài báo, cả trong các tuyên bố chính thức thì cùng với công thức trên (công nhận toàn vẹn lãnh thổ Ucraine –ND) còn đi kèm một thông điệp như thế này – “chúng tôi hiểu hành động của Nga tại hướng Ucraine là vì xung đột là do Mỹ gây ra”. Có nghĩa là lập trường nước đôi – Bắc Kinh không ủng hộ Nga những cũng không lên án Nga.
Còn về Syria, thì trong trường hợp này Trung Quốc hoàn toàn đứng về phía Nga và ủng hộ, ít nhất thì cũng trên lời nói, chính quyền Damascuss. Không những thế, dư luận xã hội Trung Quốc rất quan tâm đến chủ đề này. Và nếu như bạn nói chuyện với người Trung Quốc, thì bạn sẽ hiểu là họ rất tôn trọng sức mạnh của vũ khí Nga. Họ thích thú vì không chỉ mình người Mỹ mới có thể tiến hành các chiến dịch quân sự lớn.
Lenta.ru: - Một khi đã có cảnh điền viên (êm đềm) như vậy ở cấp độ chính trị (trong mối quan hệ Nga- Trung –ND) và người Trung Quốc tôn trọng sức mạnh quân sự của chúng ta, có thể, Matxcova và Bắc Kinh nên thành lập một liên minh quân sự- chính trị chăng?
A.Lukin: - Cách đây không lâu Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề quốc tế Quốc hội Trung Quốc Fu In (trước đó là Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc) đã cho đăng trên tờ “Foreign Affairs” một bài báo nói rất đúng về quan hệ Nga- Trung. Tiêu đề bài báo như sau – : “mối quan hệ gần gũi, nhưng không phải là liên minh”.
Cụm từ trên – đấy là cách diễn đạt chính xác lập trường của cả Matxcova lẫn Bắc Kinh. Tại sao chúng ta không cần liên minh? Trong lịch sử chúng ta đã từng có các liên minh và tất cả đều kết thúc một cách tồi tệ.
Liên minh giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết ký năm 1950, về mặt danh nghĩa vẫn có hiệu lực ngay cả khi tại biên giới Xô- Trung đang diễn ra những cuộc xung đột đẫm máu.
Một liên minh như vậy là không cần thiết bởi vì nó mâu thuẫn với tư tưởng Trung Hoa là xây dựng một trung tâm sức mạnh và gây ảnh hưởng trong nền chính trị thế giới riêng cho mình, và cũng mâu thuẫn với các kế hoạch của Nga thiết lập một trung tâm tương tự vậy.
Nhưng nếu như, các đối tác như hiện nay chúng ta hay gọi (tức Mỹ và các nước Phương Tây-ND ) - thực sự tiến hành những hoạt động thù địch (nguyên văn) chống Trung Quốc thì các cuộc bàn tán về khả năng thành lập một liên minh sẽ trở nên năng động hơn.
Hiện nay ở tâm trạng trên có thể gặp ở cả giới quân nhân (Trung Quốc). Những quân nhân tại ngũ, dĩ nhiên là không nói ra những điều như vậy, nhưng những người đã nghi hưu có thể cho phép mình phát biểu quan điểm theo hướng đó.
Tập trận chung Mỹ - Philippinesh : Erik de Castro / Reuters
Lenta.ru: - Nếu Mỹ thực sự tăng cường hành động ở Biển Đông, hỗ trợ các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, thì liệu có thể xảy ra một cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc không?
A.Lukin:- Khó có thể xảy ra xung đột lớn. Bởi vì khác với nước Nga, Trung Quốc trong 30 năm trở lại đây nhờ có cải cách và tăng trưởng kinh tế nên đã có một vị thế trong nền chính trị và kinh tế thế giới đủ mạnh để những quốc gia gây sự với Trung Quốc phải trả giá tương đối đắt.
Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau: Trung Quốc cần công nghệ Mỹ, nhưng cũng trong khi đó Trung Quốc giữ phần lớn dự trữ ngoại tệ ở thị trường chứng khoán Mỹ, và nếu xảy ra chuyện gì, có thể sử dụng nó để gây sức ép đối với Washington. Đấy là những đối tác thương mại lớn nhất. Mỹ - nhà đầu tư chủ yếu tại Trung Quốc.
Cũng có thể, tất nhiên, phá vỡ tất cả các quan hệ trên vì một mục tiêu chính trị nào đó. Ví dụ như trước Chiến tranh thế giới thứ hai Đức và Anh là các đối tác thương mại lớn nhất, nhưng khi Hitler lên cầm quyền, ông ta đã nhổ toẹt vào tất cả các thứ đó.
Chính vì vậy mà về mặt lý thuyết thì xung đột và cắt đứt tất cả các quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là có thể xảy ra, nhưng trên thực tế xác xuất như vậy rất thấp. Khác với các vụ việc cục bộ nào đó.
Ví dụ, người Mỹ với lý do bảo vệ tự do hàng hải có thể đưa tàu quân sự đến những khu vực lãnh thổ mà Trung Quốc coi là của mình. Có ai đó không giữ được bình tĩnh, và xung đột bắt đầu. Khả năng đó là có thể. Những sẽ không biến thành một cuộc chiến tranh thực sự.
Lenta.ru: - Bộ trưởng ngoại giao ta (X.Lavrov) cách đây không lâu có nói: “Về những gì liên quan đến tình hình Biển Đông, thì chúng tôi xuất phát từ những điểm sau đây. Tất cả các quốc gia liên quan đến các tranh chấp cần phải tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chính trị ngoại giao mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được".
Những câu nói trên có thể được hiểu là “chúng tôi ủng hộ cái tốt, chống lại cái xấu” (ý muốn nói là như thế thì ai chả nói được –ND). Đấy có phải là một lập trường đúng đắn hay không, nếu như tính rằng Trung Quốc – đối tác chiến lược của chúng ta, nhưng Việt Nam cũng là đối tác chiến lược của chúng ta?
A. Lukin: - Những câu nói của Lavrov cho thấy chúng ta đang giữ một quan điểm rất đúng đắn. Nga tuyệt đối không nên can dự vào xung đột ở Biển Đông, không có cái đó (can dự vào xung đột –ND ) thì chúng ta cũng đã có quá nhiều việc phải làm rồi. Chúng ta tuyệt đối không nên đứng về phía ai trong cuộc tranh chấp này.
Và thực sự là chúng ta mong muốn tình hình tại đó được giải quyết hoàn toàn bằng các biện pháp hòa bình. Chúng ta muốn hòa bình, bởi vì trong trường hợp xảy ra xung đột chúng ta buộc phải chọn một bên nào đó. Và như kinh nghiệm tại Nagornyi Karabakh cách đây không lâu cho thấy, những nỗ lực giữ trung lập của Nga buộc Nga phải trả giá là tất cả đều không hài lòng với Nga.
Lenta. Ru: - Thì chính tôi đang nói về điều đó đây: xung đột có thể xảy ra ngoài ý chí của chúng ta và ngược lại với mong muốn của chúng ta. Thế thì lúc đó nước Nga cần phải làm gì, đứng về phía ai?
A.Lukin : - Chúng ta cần phải giữ lập trường trung lập. Nước Nga không nên lựa chọn ai trong số các đối tác. Chúng ta có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng chúng ta không thành lập liên minh với Trung Quốc chính là vì không muốn rơi vào tình thế khi buộc phải lựa chọn một trong những đối tác gần gũi của chúng ta.
Việt Nam quan trọng đối với chúng ta, Philippin cũng thế. Tại sao chúng ta lại gây mâu thuẫn với họ (hai nước trên )? Chính sách của chúng ta phải là chính sách không thân Trung Quốc và cũng không thân Việt Nam, mà là thân Nga.
Trung Quốc đã từng tuyên bố, các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết không có sự tham gia của các quốc gia bên ngoài, và như thế, theo quan điểm của Bắc Kinh, Nga không nên can thiệp vào những gì đang xảy ra ở đó (Biển Đông).
Một lần nữa xin lưu ý: đấy là quan điểm cá nhân của học giả A.Lukin.
Nguồn: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nga-noi-thang-quan-he-voi-trung-quoc-sau-vu-bien-dong-3306393/
=====================================
Vẫn biết như ri...
“Mối quan hệ gần gũi, nhưng không phải là liên minh”.
Cụm từ trên – đấy là cách diễn đạt chính xác lập trường của cả Matxcova lẫn Bắc Kinh. Tại sao chúng ta không cần liên minh? Trong lịch sử chúng ta đã từng có các liên minh và tất cả đều kết thúc một cách tồi tệ.
Liên minh giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết ký năm 1950, về mặt danh nghĩa vẫn có hiệu lực ngay cả khi tại biên giới Xô- Trung đang diễn ra những cuộc xung đột đẫm máu."
Nhưng lại ảo tưởng như ri...
"Nhưng nếu như, các đối tác như hiện nay chúng ta hay gọi (tức Mỹ và các nước Phương Tây-ND ) - thực sự tiến hành những hoạt động thù địch (nguyên văn) chống Trung Quốc thì các cuộc bàn tán về khả năng thành lập một liên minh sẽ trở nên năng động hơn.
Hiện nay ở tâm trạng trên có thể gặp ở cả giới quân nhân (Trung Quốc). Những quân nhân tại ngũ, dĩ nhiên là không nói ra những điều như vậy, nhưng những người đã nghi hưu có thể cho phép mình phát biểu quan điểm theo hướng đó."
Vì suy nghĩ như ri...
"Khó có thể xảy ra xung đột lớn. Bởi vì khác với nước Nga, Trung Quốc trong 30 năm trở lại đây nhờ có cải cách và tăng trưởng kinh tế nên đã có một vị thế trong nền chính trị và kinh tế thế giới đủ mạnh để những quốc gia gây sự với Trung Quốc phải trả giá tương đối đắt.
Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc lẫn nhau: Trung Quốc cần công nghệ Mỹ, nhưng cũng trong khi đó Trung Quốc giữ phần lớn dự trữ ngoại tệ ở thị trường chứng khoán Mỹ, và nếu xảy ra chuyện gì, có thể sử dụng nó để gây sức ép đối với Washington. Đấy là những đối tác thương mại lớn nhất. Mỹ - nhà đầu tư chủ yếu tại Trung Quốc.
Chính vì vậy mà về mặt lý thuyết thì xung đột và cắt đứt tất cả các quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là có thể xảy ra, nhưng trên thực tế xác xuất như vậy rất thấp. Khác với các vụ việc cục bộ nào đó.
Ví dụ, người Mỹ với lý do bảo vệ tự do hàng hải có thể đưa tàu quân sự đến những khu vực lãnh thổ mà Trung Quốc coi là của mình. Có ai đó không giữ được bình tĩnh, và xung đột bắt đầu. Khả năng đó là có thể. Những sẽ không biến thành một cuộc chiến tranh thực sự."
Dù biết lịch sử đã trả lời như ri...
"Cũng có thể, tất nhiên, phá vỡ tất cả các quan hệ trên vì một mục tiêu chính trị nào đó. Ví dụ như trước Chiến tranh thế giới thứ hai Đức và Anh là các đối tác thương mại lớn nhất, nhưng khi Hitler lên cầm quyền, ông ta đã nhổ toẹt vào tất cả các thứ đó."
Xin hỏi... ngố Nga... anh đang mơ cái gì...?