HỒ THỦY SINH TRONG PHONG THỦY NGÔI GIA DƯỚI GÓC NHÌN TỪ ĐỊA LÝ PHONG THỦY LẠC VIỆT
PHẦN 2: BỐ CỤC HỒ THỦY SINH TRONG ĐỊA LÝ PHONG THỦY LẠC VIỆT
Tác giả: Longphibaccai – Nguyễn Quốc Duy
Thành viên nghiên cứu Trung Tâm Nghiên Cứu Lý Học Đông Phương
Hướng dẫn: Thầy Thiên Sứ – Nguyễn Vũ Tuấn Anh
Thay vì một ngôi gia khô khan với những đồ vật vô tri vô giác, sao ta không thiết kế hồ thủy sinh với khung cảnh thiên nhiên hài hòa trong ngôi gia của mình để ngôi gia trở nên sinh động?
Hồ thủy sinh này nhỏ bé thôi
Có cây có cỏ nắng chơi vơi
Có đàn cá nhỏ tung tăng lội
Có tâm hồn mình trong thú chơi.
Thú chơi hồ thủy sinh ở Việt Nam chỉ mới phát triển hơn chục năm đổ lại đây, nhưng nó đã tạo nên một phong trào làm say đắm bao người với mong muốn đưa thiên nhiên vào ngôi nhà của mình, tăng sinh khí cho ngôi gia. Thú chơi nghệ thuật này được biết đến từ xứ sở hoa anh đào Nhật Bản với bậc thầy thủy sinh Takashi Amano(1), ông đã qua đời vào năm 2015 để lại bao tiếc nuối cho những người hâm mộ.
Takashi Amano đã từng nói: “Rất khó giải thích, mô tả bằng lời về ảnh hưởng của Thiền trong nghệ thuật tạo thủy sinh cảnh. Khi sắp đặt bố cục thủy sinh cảnh, không chỉ đơn thuần là ta tái tạo – sao chép một sinh cảnh nào đó, mà là sáng tác, gợi được cảm xúc cho người xem. Nó là một môn nghệ thuật sinh động mà hồ kính được ví như khung lụa để vẽ tranh và người chơi đóng vai trò của một họa sĩ sáng tác. Hồ thủy sinh là tác phẩm mang phong cách tự nhiên hay phong cách ấn tượng như trong hội họa.”
Ở Việt Nam, thú chơi này đã trở thành một thú vui tao nhã trong cuộc sống thị thành, từ một cậu bé, một cô bé cấp một được bố mẹ mua cho một bể cá với vài con cá và vài chậu cây thủy sinh nho nhỏ để giúp em biết yêu thiên nhiên, cây cỏ và động vật nhằm thỏa mãn niềm đam mê, đến những chú bác lớn tuổi với nhiều năm theo đuổi thú vui này. Dù họ có ít hay nhiều điều kiện thì đều có chung suy nghĩ là tìm thấy sự thư giãn, thoải mái tinh thần, thích thú khi nhìn vào hồ thủy sau một ngày học tập và làm việc căng thẳng.
Đại thi hào Nguyễn Du có câu: “Nghề chơi cũng lắm công phu, Làng chơi ta phải biết cho đủ điều”. Dù bạn đam mê thú chơi gì: chơi chim, chơi hoa, chơi cây cảnh… hay chơi thủy sinh thì cũng đều cần có sự tỉ mẫn, kiên trì và óc sáng tạo. Đòi hỏi các Thủy Sinh Gia (Aquascaper) và người chơi luôn phải nghiên cứu, mày mò và tìm kiếm những loài động thực vật mới, họ có thể nhập khẩu từ nước ngoài về hoặc lặn lội từ ao, hồ lên đến rừng núi trong nước để thu thập bổ sung cho vốn kiến thức và thú chơi thủy sinh của mình, với mục đích cuối cùng là thiết kế cho mình một hồ thủy sinh ưng ý, với một bố cục đã lên kế hoạch từ trước đó.
Trong phần một người viết đã trình bày “Sự tác động và vị trí đặt hồ thủy sinh” trong Địa Lý Phong Thủy Lạc Việt. Trong Địa Lý Phong Thủy Lạc Việt thì hồ thủy sinh là nơi tụ khí và truyền sinh khí trong ngôi gia, nên đặt hồ ở đâu cũng được. Nhưng ở những vị trí khác nhau, sẽ có những tương tác khác nhau. Đặt ở nơi mộ khí thì sẽ có tác dụng xua tan âm khí; đặt ở nơi sinh khí thì tốt cho sức khỏe; đặt ở nợi vượng khí thì tốt hơn nữa với điều kiện trong nhà phải thoát khí tốt. Còn ở phần này thì nói đến sự sắp xếp, xây dựng bố cục hồ thủy sinh theo Địa Lý Phong Thủy Lạc Việt.
Để có một bố cục đẹp tương đối khó khăn, vì động thực vật phục vụ cho thú chơi này khá đa dạng, mỗi loại có một đặc điểm riêng, quá trình sinh trưởng, phát triển và kết thúc chu kỳ sống cũng khác nhau theo quy luật vận hành của tự nhiên và vũ trụ.
Trong Địa Lý Phong thủy Lạc Việt được phục hồi trên cơ sở tiêu chí khoa học đã xác định rằng: “Qui luật tương tác là yếu tố căn bản hình thành nên phương pháp ứng dụng của Phong thủy, và không có tính quy luật thì không có khả năng tiên tri”. Trên cơ sở nguyên lý “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, thầy Phong Thủy giỏi có thể dự báo phần nào tính cách, ảnh hưởng từ quá khứ, hiện tại và tương lai của gia chủ theo phong cách hồ thủy sinh mà gia chủ thiết kế cho ngôi nhà mình.
Dù bạn là ai, dù bạn chơi thủy sinh theo trường phái hay phong cách nào: phong cách Iwagumi Nhật Bản (bố cục đá), phong cách Hà Lan, phong cách rừng rậm hay phong cách Biotope (2)…thì bạn vẫn không thoát được những quy luật vận động, tương tác của vũ trụ. Vậy bố cục hồ thủy sinh như thế nào là phù hợp theo Phong Thủy? Sau đây là một số tiêu chí cơ bản khi xây dựng bố cục hồ thủy sinh trong Địa Lý Phong Thủy Lạc Việt:
1. Loại hồ và kích thước hồ:
Để đảm bảo hồ thủy sinh cân đối với ngôi gia, nên lựa chọn kích thước hồ phù hợp, vừa phải và có tính thẩm mỹ. Hồ thủy sinh nên làm hồ kính không kiềng, mài vi tính, dán dấu keo trắng với hình dạng vuông, tròn hoặc hình chữ nhật. Dung tích càng lớn thì kính làm hồ sẽ càng dày để đảm bảo sức chứa một lượng nước phù hợp. Loại hồ này vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo về mặt thẩm mỹ. Không nên chọn những hồ có kiềng, phản chiếu như gương vì những loại hồ như vậy sẽ phản chiếu những bức xạ không tốt ảnh hưởng đến sức khỏe đối với những người sống trong ngôi gia đó.
Một số kích thước tốt cơ bản của hồ thủy sinh trong Địa Lý Phong Thủy Lạc Việt:
2. Ý nghĩa, chủ đề của bố cục:
Trong Địa Lý Phong Thủy Lạc Việt thì ý nghĩa, chủ đề của bố cục đối với hồ thủy sinh khá quan trọng, nó thể hiện nhân sinh quan trong cuộc sống của một gia chủ, của một vùng đất và rộng lớn hơn là có thể dự báo một phần tình hình kinh tế xã hội của thế giới.
Thủy sinh gia hay người chơi có thể chọn cho mình một chủ đề hay một phong cách trang trí hồ thủy sinh mà mình thích để lên ý tưởng cho bố cục: phong cách Bonsai, phong cách hồ Hà Lan, phong cách cảnh thiên nhiên, phong cách ADA… nhưng dù chơi theo phong cách nào thì nên chọn chủ đề toát lên được những ý nghĩa hay, những hình ảnh tươi đẹp trong cuộc sống, tránh thiết kế những bố cục đá núi lưởm chởm và rừng rậm âm u sẽ nói trong phần dưới đây.
3. Tọa sơn hướng thủy, tả thanh long hữu bạch hổ:
Trong bố cục hồ thủy sinh việc xắp xếp bố cục hài hòa, cân đối khá quan trọng, đôi khi có những nét phá cách nhưng phá cách không đúng có thể tạo nên những thế sát, thế xấu trong bố cục hồ. Vậy trước tiên xây dựng bố cục hồ như thế nào?
Nên thiết kế bố cục phía trước thấp, phía sau cao dần lên theo thế “tọa sơn hướng thủy” hay “tiền cái hậu đê”. Phía trước thấp có thể ta thiết kế con đường, dòng suối, cây thủy sinh tầm thấp… ở phía sau thì nâng nền đất dần cao lên, sử dụng những cây thủy sinh thân dài, có dáng cao.
Bên cạnh đó, đối với bố cục phía trước hồ thấp ta có thể tạo hình với thế đất bằng phẳng hoặc bên phải có thể thiết kế thấp hơn so với bên trái theo thế “tả thanh long hữu bạch hổ”, như: một bãi đất bằng phẳng, một sườn núi, một ngọn dốc đổ xuống thoai thoải từ trái qua phải, hoặc có thể đó là một bãi cỏ xanh tươi mơn mởn với cách bố trí cây cao dần về phía bên trái, và thấp dần về phía bên phải… Bố cục hồ phía sau có thể tạo thế như bao quanh và ôm vòng bố cục hồ phía trước, tạo thành thế bao bọc, chở che.
4. Bố cục hài hòa cân đối theo tỷ lệ vàng hoặc tỷ lệ một phần ba:
Tỷ lệ vàng trong tự nhiên mang lại một nét đẹp hài hòa, cân đối. Con người đã đưa tỷ lệ thần thánh của tự nhiên này vào cuộc sống và được ứng dụng nhiều trong kiến trúc, mỹ thuật, trang trí, hội họa, nhiếp ảnh…Khi tính tỷ lệ vàng của hồ thủy sinh ta lấy kích thước hồ với chiều dài (“a”+”b”) chia cho 2,618 từ đó ta đo ngang từ cạnh bên vào được khoảng cách “b” như hình trên, thì khoảng cảnh còn lại là “a”, tương tự như vậy đối với các kích thước nhỏ hơn của bể. Tại những vị trí thích hợp (điểm nhấn) ta có thể bố trí một cây cổ thụ, một khúc lũa, hay một ngọn đồi đầy cỏ…
Ngoài ra, cũng có thể sử dụng tỷ lệ 1/3 trong nhiếp ảnh để bố trí bố cục trong hồ thủy sinh nhằm tạo chiều sâu, tạo ấn tượng bằng cách tạo ra 2 đường chiều ngang và hai đường thẳng đứng đều nhau, chủ thể sẽ được đặt trên các đường lưới hoặc trên các điểm giao nhau này.
Thiết kế bố cục hợp lý theo tỷ lệ vàng hoặc 1/3 sẽ tạo nên sự cuốn hút bố cục và có sức hấp dẫn đối với người xem.
5. Động thực vật, hình dạng đá, lũa sử dụng:
Nhờ sự tiến bộ của khoa học hiện đại, những loài động thực vật trước đây gọi là quý hiếm thì hiện nay đã được nhân giống đại trà với sự đa dạng và phong phú. Điều này cũng khiến người chơi cân nhắc, đắn đo, suy nghĩ nhiều hơn, nên chọn loại nào là phù hợp mà không ảnh hưởng xấu đến động thực vật trong hồ. Trong Phong Thủy Lạc Việt mỗi loài động thực vật, đá, lũa đều có sự tương tác đến hồ thủy sinh và đến ngôi gia. Vậy lựa chọn như thế nào?
a. Tùy kích thước hồ lớn hay nhỏ thì tính số lượng và chọn những loài động vật thủy sinh hiền lành không gây hại cho động thực vật và bố cục của hồ:
– Trong Địa Lý Phong Thủy Lạc Việt để tính số lượng cá/tôm/tép nuôi thì phối hợp với thuộc tính ngũ hành của Hà Đồ để biết tốt xấu:
* Số 1 và 6: thuộc hành Thủy, tăng cường Thủy khí, vượng tài, tốt
* Số 2 và 7: thuộc hành Hỏa, hao tổn Thủy khí, không tốt
* Số 3 và 8: thuộc hành Mộc, làm giảm Thủy khí, bất lợi
* Số 4 và 9: thuộc hành Kim, làm vượng Thủy khí, tốt tài lộc.
* Số 5 và 10: thuộc hành Thổ, khắc chế Thủy khí, bất lợi.
Vì thủy vi tài nên nuôi số lượng động vật nuôi như sau: 1/4/6/9/11/14/16/19/21/24/26/29… sẽ giúp tài vận tốt hơn.
– Tùy vào vị trí đặt hồ thủy sinh thì ta chọn màu cá phù hợp:
* Nếu hồ đặt ở phía Nam/Đông Nam thì nên chọn những loài động vật có màu đỏ/hồng/cam/vàng.
* Nếu hồ đặt ở phía Bắc/Tây Bắc thì nên chọn những loài động vật có màu xanh nước biển/xanh da trời.
* Nếu hồ đặt ở phía Tây/Tây Nam thì nên chọn những loài động vật có màu trắng/bạc.
* Nếu hồ đặt ở phía Đông/Đông Bắc thì nên chọn những loài động vật có màu xanh lá cây/xanh da trời/hồng nhạt.
– Các loại cá phù hợp cho bể thủy sinh: cá neon, cá trâm, cá galaxy, cá diếc anh đào, cá tỳ bà, cá bống panda…
b. Nên chọn những loài thực vật tươi tắn, xinh xắn, màu xanh, đỏ, tím, trắng, hồng, cành lá xum xuê, vươn lên: trân châu ngọc trai, trân châu cuba, ráy nana petite, bupcep, tân đế tài hồng, liễu răng cưa, dương xỉ trident, dương xỉ lá kim, dương xỉ lá nho, diệp tài hồng, rong bảo tháp, rong la hán, vẩy ốc, muỗng xanh …
c. Nếu có sử dụng đá trong hồ thủy sinh nên chọn loại đá có hình tròn màu nâu, vàng, trắng, hồng. Hạn chế sử dụng những loại đá màu đen, đỏ với số lượng nhiều và những loại đá có hình thù sắc nhọn. Không nên thiết kế bố cục hồ nhiều âm khí, sát khí, hình ảnh rùng rợn, bố cục với núi đá, đá nhọn lởm chởm và đặc biệt là các loại đá có màu đen: Đá tiger, đá da voi, đá tai mèo, đá Phan Thiết…
d. Tùy theo bố cục mà thủy sinh gia, người chơi muốn thực hiện thì chọn những loại lũa phù hợp: lũa linh sam, lũa đỗ quyên, lũa xương chùm… nhưng tốt hơn thì tạo thành các cây thế truyền thống của Việt Nam(3) (khác với bon-sai): thế phụ tử, thế mẫu tử, thế bạt phong hồi đầu, thế huyền chi lạc địa, thế tiều phu quải tử, hay thế phụ tử giao chi… là những thế cây chuyển tải những chuẩn mực đạo lý làm người của dân tộc đã được gìn giữ và vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử. Dù cây thế như thế nào thì gốc, tán cây phía dưới to hơn cành và tán cây phía trên, càng lên cao càng nhỏ gọn lại theo quy luật của tự nhiên như câu ca dao sau:
“Cây có gốc mới trổ nhành xanh ngọn,
Nước có nguồn mới biển rộng, sông sâu.
Người ta nguồn gốc từ đâu ?
Tổ tiên có trước, rồi sau có mình.”
6. Chính thần hạ thủy và những vật có hình thù không tốt:
Không nên thiết kế bố cục hồ thủy sinh có những tượng thần, phật, xương người, đầu lâu, những hình thù quái dị, ghê rợn…vì sẽ ảnh hưởng xấu đến tình cảm, sự nghiệp và gia đạo của những người sống trong ngôi gia có hồ thủy sinh đó.
7. Nguồn nước:
Đối với một hồ thủy sinh, nguồn nước khá quan trọng vì nó quyết định động thực vật trong hồ sẽ tốt tươi hay phát triển kém, bị rêu hại. Trong các loại hồ thủy sinh thì hồ theo phong cách Biotop(2) cổ điển không tốt theo Phong Thủy, nếu chơi theo phong cách Biotop thì đáy hồ thường sẽ có những lá cây mục nát, không có hoặc ít có cây thủy sinh, nguồn nước có màu vàng, và đôi khi có nhiều rêu hại. Hồ thủy sinh theo phong cách này thể hiện sự khô khan, ảm đảm và thiếu sức sống.
Nói về nguồn nước thì trong sách “Vân đoài loại ngữ”, nhà bác học Lê Quý Đôn có viết: “Người ở chỗ nuớc trong thì tiếng nói nhỏ nhẹ, người ở chỗ nuớc đục thì có tiếng nói to. Người ở chỗ nuớc chảy xiết thì nhẹ nhàng, người ở chỗ nuớc chảy chậm thì nặng nề”.
Khoa học hiện đại đã chứng minh được rằng nguồn nước rất quan trọng. Trong một nghiên cứu của Tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado (tổ chức IHM) ở Tokyo, Nhật Bản, và nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ra những tinh thể hình thành từ nước đóng băng có khả năng thay đổi để biểu lộ những suy nghĩ đặc biệt và tập trung hướng về chúng. Ông phát hiện ra rằng nước từ những dòng suối trong sạch và nước được tiếp xúc với những ngôn từ đáng yêu hiển thị những hình mẫu rực rỡ, phức tạp và dạng bông tuyết đầy sắc màu. Ngược lại, nước ô nhiễm, hay nước tiếp xúc với những suy nghĩ tiêu cực, hình thành những hình mẫu thiếu hoàn chỉnh, bất đối xứng có màu sắc mờ tối.
Vì vậy, nước trong hồ thủy sinh phải trong, sạch, có thể thay nước định kỳ ít nhất 1 tháng/lần. Nguồn nước chảy vừa phải, nhẹ nhàng, êm dịu, không mạnh, cũng không yếu và phù hợp với thể tích của hồ là tốt nhất.
Để tạo nên một bố cục hồ thủy sinh vừa phù hợp theo tiêu chí trong Địa Lý Phong Thủy Lạc Việt vừa mang tính thẩm mỹ đòi hỏi người chơi, thủy sinh gia phải thường xuyên trau dồi kiến thức và tăng cường khả năng sáng tạo. Dù bạn thiết kế hồ thủy sinh như thế nào thì mục đích cuối cùng khi hoàn thành bố cục của một hồ thủy sinh đều thể hiện những ý nghĩa và vẻ đẹp trong trong cuộc sống, có như vậy sẽ giúp Phong Thủy trong ngôi gia của bạn trở nên tốt đẹp hơn.
Dù bạn là ai, dù bạn chơi thủy sinh theo trường phái, phong cách nào thì bạn vẫn không thoát khỏi những quy luật vận động, tương tác của vũ trụ.